• Danh sách chương
  • Cài đặt
    Màu nền
    Font chữ
    Cỡ chữ
    {{settingThemes.fontSize}}px
    Chiều rộng khung
    {{settingThemes.lineWidth}}px
    Giãn dòng
    {{settingThemes.lineHeight}}%
Chương 98: Hối Lộ Quỷ Thần
***
Một kẻ thiếu kinh nghiệm cũng thừa hiểu rằng việc đi tăm đồ cổ giữa đồng không mông quạnh vào lúc ban ngày ban mặt thật sự là thử thách, ngoài việc dễ bị để ý trong khi đào bới thì còn có thể gặp phải những rủi ro chưa thể lường trước được.

Như tôi đã nhiều lần tự nhận xét về bản thân thì tôi là một đứa chẳng lấy gì làm tài giỏi nhưng trong cái đầu to như cái giành tích của tôi chứa đầy những mưu sâu kế hiểm mà khó ai có thể tin được một thằng oắt con mới mười bảy tuổi đầu có thể nghĩ ra được.

Sau khi đã thống nhất với Sơn Ca thì tôi dành thời gian để chuẩn bị cho kế hoạch tìm đồ cổ nhanh nhất có thể, nếu kịp, chúng tôi hẹn nhau trưa ngày hôm sau sẽ tiến hành ngay nhằm tránh việc đêm dài lắm mộng. Tôi cất công mượn vài thứ của đám bạn cùng trang lứa trong xóm, gồm một cái giỏ dùng để đựng cua, thêm một cái thuốn bằng sắt dài khoảng hơn một mét. Cái nón lá của bà Già cũng được tôi sử dụng để che nắng và không quên chuẩn bị một cái bao tải dứa màu trắng để nếu có ai thắc mắc thì tôi có thể nói dối rằng mình đi bắt rắn, bắt chuột đồng… hoặc bất cứ thứ gì tôi có thể nghĩ ra được. Ngoài những món đồ trên thì không thể thiếu cái xẻng quân dụng cùng với cái thuổng có lưỡi sắc bén, riêng cái xà beng thì tôi đành phải bỏ lại vì nặng, thêm nữa Sơn Ca đã bảo rằng có khi không cần phải dùng đến xà beng. Quần áo dùng để ngụy trang là cái áo sơ mi cũ đã sờn vai cùng cái quần vải màu tối đã lâu rồi tôi không mặc đến. Tôi cũng không quên mua hai cái khăn mặt mới tinh để đổi lấy hai cái khăn mặt treo trên dây phơi mà tôi và bà Già vẫn dùng mỗi ngày. So với lần đào bới cách đây chỉ hai ngày thì lần này tôi háo hức hơn bởi món đồ mà tôi sẽ đổ mồ hôi tìm kiếm vốn thuộc về người Tàu, có lẽ vì vậy mà tôi có chút phấn khích.

Gần nửa buổi sáng ngày hôm sau khi mặt trời đã lên cao gần bằng ngọn tre, tôi vác cái bao tải dứa đựng lỉnh kỉnh những món đồ đã chuẩn bị trên vai, đầu đội nón lá, lững thững đi qua cầu Đình và nhanh chóng nhận ra người cùng hội cùng thuyền với mình đang ngồi tựa vai vào cái cột xi măng trong quán nhỏ bên kia đường, đôi mắt lim dim như đang hưởng thụ cảm giác phê pha trong làn khói thuốc lào mù mịt. Tôi đảo mắt nhìn quanh một lượt rồi nhận ra hôm nay Sơn Ca đi xe Cub thay cho cái xe Win mới tinh của anh ta, có lẽ Sơn Ca cũng hiểu rằng bản thân anh ta cũng cần phải nhập vai, tránh việc gây chú ý cho người khác. Cả hai không nói với nhau lời nào, chỉ lẳng lặng ngồi nhâm nhi hết chén nước chè này đến chén nước chè khác, đốm lửa của điếu thuốc lá 555 dường như không bao giờ tắt trên môi của Sơn Ca, tôi nghĩ anh ta hút thuốc vì thói quen hơn là nghiện ngập hoặc… những điếu 555 đắt đỏ không làm anh thỏa mãn.

Sơn Ca hất hàm ra hiệu cho tôi nhìn cái đồng hồ treo tường, tôi khẽ gật đầu, lẳng lặng đứng dậy trả tiền nước của mình sau đó xách bao tải dứa rời khỏi quán trước, điểm hẹn sẽ là trạm bơm nước ngoài cánh đồng. Sơn Ca không khó khăn gì trong việc gửi lại xe máy ở quán vừa ngồi, anh ta cũng mang theo trên vai một cái ba lô cũ mèm, trên đầu đội cái mũ cối cũng đã ngả màu thời gian, anh ta đi sau tôi khoảng chừng hai phút, một khoảng cách vừa đủ để tránh bị chú ý.

Đứng bên đầu hồi của trạm bơm, gần bên cạnh có vài bụi cây cao ngang ngực, sau khi nhìn trước ngó sau cẩn thận thì tôi lôi cái áo sơ mi sờn cũ kỹ ra mặc, thay cho cái áo phông. Thay áo xong tôi mới thay quần, đứng thay quần mà trước mặt là cánh đồng trống mang lại cho tôi một cảm giác lạ lẫm, chẳng giống như ngày còn thơ bé. Tôi không phải chờ đợi lâu khi Sơn Ca cũng đã đến, sau khi liếc nhìn tôi một lượt, anh ta thả ba lô xuống đất rồi lấy ra một cái áo dài tay khoác lên người trong khi tôi cũng lúi húi xắn ống quần bên thấp bên cao.

-Đi thôi!

-Chờ tí đã anh.

Tôi bốc một nắm đất tương đối mềm rồi bước đến bên cạnh cống thoát nước thò tay xuống vục nước lên cho nắm đất ngấm nước sau đó bóp cho đến khi nhão nhoét. Hai bàn tay của tôi toàn màu nâu của đất, tôi cố ý lau vào áo, vào quần sau đó là một vài vệt lên hai bên má và sống mũi. Tôi xem phim thấy bộ đội người ta hóa trang nên tôi học theo bởi tôi nghĩ ra ngoài đồng đào bới thì quần áo mặc trên người trông phải nhem nhuốc bùn đất mới phù hợp. Sơn Ca đứng chống nạnh theo dõi mọi hành động của tôi, đoạn anh ta bật cười:

-Tại sao mày không đi thi tuyển làm diễn viên nhỉ? Nhìn mày có tố chất đấy!

Tôi nhếch mép cười:
— QUẢNG CÁO —

-Em biết chứ! Có điều nếu em làm diễn viên thì chắc cú là người ta sẽ giao cho em mấy vai như thằng hầu, bồi bàn, trông xe, bán báo dạo hoặc móc túi.

-Sao lại bi quan đến thế?

-Vì tướng em không có sang, anh nhìn thì biết còn gì nữa.

-Ờ! Nhưng biết người biết ta trăm trận trăm thắng!

Tôi không nói gì thêm mà chỉ cười khẩy rồi tung nắm đất cho Sơn Ca, anh ta khẽ nhún vai, dùng hai bàn tay nhào nặn cục đất rồi ném đi sau đó quệt tay lên mặt và quần áo, có lẽ anh ta thấy rằng trò cải trang của tôi cũng thú vị.

Sơn Ca quả nhiên không đơn giản như tôi nghĩ, bên trong ba lô của anh ta cũng có một bao bố màu nâu nhạt, đôi dép và chính cái ba lô đựng tư trang cá nhân được anh ta bỏ vào trong bao rồi quàng lên vai. Tôi nghiêng đầu, nheo mắt nhìn và nhận ra rằng dường như đây không phải là lần đầu anh ta làm như vậy, sở dĩ tôi nghĩ như thế là vì mọi động tác của Sơn Ca rất thành thục, bên cạnh đó dáng dấp hom hem, làn da đen sạm của Sơn Ca khiến anh ta thật sự giống một người nông dân tranh thủ đi bắt rắn vào lúc nông nhàn. Điều mà một người hóa trang mong muốn nhất chính là làm sao cho giống y như nhân vật mà anh ta dự định trở thành và Sơn Ca đã làm được điều ấy trong khi tôi nhìn lại chính mình bỗng cảm thấy thiếu tự tin. Da tôi cũng đen nhưng không phải vì cháy nắng, khuôn mặt của tôi dù gì cũng chưa nhuốm bụi trần nên mặc dù già câng nhưng nhìn kỹ vẫn không giống con nhà nông, cùng lắm tôi chỉ giống con nhà nghèo mà thôi.

Tôi và Sơn Ca cuốc bộ dưới cái nắng chói chang trên con đường đất nhỏ chạy giữa cánh đồng bát ngát, thi thoảng mới có một tán cây nhỏ ven đường để nghỉ ngơi. Mới đi được hơn nửa cây số mà mồ hôi mồ kê đã chảy ướt đẫm lưng, tôi quay sang nhăn nhó nói với Sơn Ca:

-Trời nắng bỏ cha bỏ mẹ thế này em chỉ lo đồ chưa thấy thì em đã chết vì mệt!

-Chưa làm mà đã than! – Sơn Ca nói. – Hôm nay trời nắng to, mà càng nắng to thì tao với mày càng nhàn. Tao là tao chỉ sợ trời bất chợt đổ cơn mưa thì công cốc công cò.

-Sao thế anh?

-Thay vì hỏi thì mày nên nhìn và tự hiểu. Nếu mày muốn biết rõ ngọn ngành thì làm lễ bái sư rồi gọi tao là sư phụ thay vì ăn nói lếu láo với tao thì tao sẽ dạy cho mày đến nơi đến chốn.
— QUẢNG CÁO —


-Xì! – Tôi bĩu môi. – Em đã bảo là em không thích làm thầy, cái số của em làm chân loong toong là hợp nhất, đứng mũi chịu sào thì em không đủ khả năng.

-Là mày chưa đủ tự tin đó thôi, cái tuổi của mày chỉ tiếc nhất là sinh vào tháng Hai chứ không làm vương thì cũng làm tướng. Hhm… Mà chả sao, vận mày đổi rồi.

Tôi không muốn sa vào cuộc tranh luận với Sơn Ca bởi tôi thừa biết sau cùng thì anh ta cũng chỉ nói lấp lửng, tôi muốn hiểu sao thì hiểu, chi bằng đừng hỏi có phải tốt hơn không? Đôi khi tôi cũng không thể hiểu nổi vì sao hết người này đến người kia, kể cả ma, đều muốn thu nhận tôi làm đệ tử, làm thằng hầu, làm chân sai vặt. Tôi còn nhớ hồi trước tôi rất khó chịu về việc này nhưng dần dà tôi đâm ra quen, làm lính thì cũng tốt, đỡ đau đầu. Tội vạ đâu người đứng đầu gánh hết, miễn sao tôi hưởng lợi mà không phải chịu phạt là được.

-Anh làm gì đấy?

Tôi trố mắt ngạc nhiên khi cứ đi được vài bước thì Sơn Ca lại thả một tờ tiền lẻ xuống đất, chẳng biết anh ta lôi từ đâu ra một xấp tiền toàn những tờ mệnh giá một trăm, hai trăm, năm trăm đồng cầm trên tay.

-Thì rải tiền chứ làm gì. – Sơn Ca thản nhiên trả lời.

-Ai chả biết là rải tiền. – Tôi cau có. – Nhưng đương yên đương lành anh rải tiền làm cái gì?

-Mày ngu thì im đi! – Sơn Ca lừ mắt nhìn tôi. – Tiền này là để biếu ma tặng quỷ. Sau này ra đường mà thấy tiền lẻ rơi vãi, nhất là vào buổi trưa thì đừng có mà nhặt nghe không?

Tôi ngoái đầu lại nhìn những tờ tiền lẻ nằm rải rác trên đoạn đường mà tôi và Sơn Ca vừa đi qua rồi chợt nhớ đến việc mỗi khi đưa tang thì người ta cũng làm như vậy, có khác chăng là Sơn Ca dùng tiền thật còn đưa tang thì người ta dùng tiền âm phủ.

-“Vậy là anh ấy dùng tiền này để hối lộ quỷ thần nơi này sao?”
— QUẢNG CÁO —

Đôi chân của tôi như bước chậm hơn và trong lòng có chút hoang mang. Đi thêm được một đoạn ngắn, không thể kìm lòng được nên tôi thắc mắc:

-Có vong theo anh em mình ư?

-Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá. Tao đến đất của người khác cai quản cũng cần phải biết điều, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.

Chẳng hiểu sao giữa cái nắng oi ả của buổi trưa cuối hè mà tôi lại cảm thấy lưng mình ớn lạnh từng cơn. Tôi thầm tự trách bản thân mình khi chủ quan không mang theo thanh kiếm gỗ phòng thân.

-Đừng có để tâm làm gì, mày cứ đi trước tao độ hai, ba bước là được rồi. Nhớ để ý xem có người nào ở xung quanh đây không, việc thằng nào thằng đấy làm.

Tôi mím môi, gật đầu đồng tình. Tôi tự trấn an bản thân rằng đây vẫn là đất làng và nếu đã là đất của làng thì tôi không cần phải lo lắng, băn khoăn làm gì cho mệt. Nhưng cho dù tôi có cố quên đi những đồng tiền lẻ bay tản mát theo từng cơn gió nhẹ thì trong ký ức của tôi bỗng hiện ra cảnh đoàn xe tang đưa quan tài của chú tôi về làng năm nào. Năm ấy giữa đường giữa chợ, tiền vàng mã mang theo đã hết, chiếc xe chở quan tài không thể di chuyển được cho đến khi những đông tiền lẻ được mọi người ném qua cửa sổ…

Hồi ấy tôi chỉ khoảng tám, chín tuổi.

***



Truyện top tháng 4/2024, nội dung hài nhưng không não tàn, nhiều suy nghĩ, các bài học về nhiều lĩnh vực, thể loại huyền huyễn, mang hệ thống nhưng không đánh quái thăng cấp.
Đến với Ta Có Một Thân Bị Động Kỹ .